Những chiếc cổng làng trên phố Thụy Khuê
Nằm về phía nam hồ Tây, Hà Nội, con phố Thụy Khuê bắt đầu từ ngã tư đường Thanh Niên kéo dài gần hai cây số đến ngã ba đường Bưởi-Lạc Long Quân.
Ngoài những ngôi đình, chùa, miếu cổ, phố Thụy Khuê hiện vẫn còn giữ được những cổng làng - những con mắt của lịch sử.
Nói đến phố Thụy Khuê, người ta nghĩ ngay đến kẻ Bưởi. Bắt đầu phải kể đến làng Thụy Khuê. Làng vốn là phường Thụy Chương - một trong 36 phường của kinh thành Thăng Long thời Lê. Phường xưa kia có nghề dệt vải và nghề nấu rượu có hương sen nổi tiếng.
Qua làng Thụy Khuê là tới Hồ Khẩu, chủ yếu sống bằng nghề làm giấy dó. Nối vào làng Hồ Khẩu là ba làng Kẻ Bưởi: Đông Xã, An Thọ và Yên Thái. Nay con phố này thuộc địa bàn phường Bưởi và phường Thụy Khuê.
Trước đây, hầu như làng nào của kẻ Bưởi cũng có cổng, ít thì một cái, có làng có đến vài cái cổng. Cổng làng mở ra vào những sớm mai, cuộc sống làng bắt đầu gõ nhịp. Mỗi cổng làng có một hình thức, một dáng vẻ riêng. Ngoài ghi tên cổng, có nhiều cổng làng còn có thêm câu đối hai bên. Điều này đã mang lại nhiều vẻ đa dạng của cổng làng kẻ Bưởi.
Đó là xưa kia, khi cái cổng làng còn vẹn nguyên ý nghĩa là một thiết chế lập làng. Trước hết, đó là một thiết chế an ninh, là nơi kiểm soát mọi sự xâm nhập từ bên ngoài vào cuộc sống sau luỹ tre làng, và ngược lại. Cổng làng còn là nơi để người dân biểu thị bản sắc của làng. Chỉ cần nhìn vào hàng chữ đó, người ta đã có thể hình dung được nghề dệt lụa ở ngôi làng này xưa đã từng có một thời phát triển cực thịnh.
Trên phố Thụy Khuê, đoạn cuối phố gần ra chợ Bưởi, phố Lạc Long Quân là nơi còn giữ lại được nhiều cổng làng nhất. Gần chục chiếc chỉ cách nhau từng đoạn nhỏ, mỗi chiếc một dáng vẻ riêng. Người dân ở phố bây giờ vẫn gọi những kiến trúc này với cái tên thân thuộc từ xưa: cổng Giếng, cổng Hầu, cổng Chùa, cổng Đông, cổng Cái, cổng Xanh...
Nhiều cổng làng đã được bảo quản, trùng tu và tôn tạo. Cổng Hầu được trùng tu năm 1998, cổng làng Hồ Khẩu được trùng tu đúng giá trị nguyên gốc, cũng thành nơi họp chợ vào mỗi buổi sáng. Những cái cổng với rất nhiều ý nghĩa như vậy, tuy lâu nay chưa từng được xếp hạng di tích nhưng nó vẫn luôn được xếp hạng một cách vô thức trong lòng người dân nơi đây. Chính vì thế, khi những thiết chế làng đang mất đi bởi sự đô thị hóa thì phần lớn ngôi làng vẫn giữ được cổng làng mà không cần có một tấm biển cấm bằng bê tông như ta vẫn thấy ở các công trình được xếp hạng.
Chiếc cổng làng - nơi có con đường chính đi vào những thôn xóm ngày xưa với những câu đối đón khách như thế vẫn còn lại khá nhiều ở nơi mà tên đất, tên làng đã trở nên quá đỗi thân quen với người Hà Nội.