Nói Hà Nội có 5 cửa ô, đúng không?

Không đúng! Chỉ nói ngày nay, mọi người Hà Nội đều có thể nêu lên chí ít là 7 cửa ô: Ô Yên Phụ, Ô Cầu Giấy, Ô Chợ Dừa, Ô Đồng Lầm, Ô Cầu Dền, Ô Đống Mác, Ô Quan Chưởng. Thực ra, cửa ô còn nhiều hơn.Nhưng trước hết cần thống nhất xem thế nào là cửa ô? Sử ghi rằng vào năm 1749, chúa Trịnh Doanh cho đắp một toà thành đất bao bọc kinh đô Thăng Long, gọi là thành Đại Độ, có mở 8 cửa ô để qua lại. Chưa biết vị trí và tên gọi của 8 cửa này. Chỉ biết là mỗi cửa, ngoài ô cửa chính ở giữa, hai bên có hai ô cửa phụ. Vậy cửa ô là cửa xẻ qua toà thành đất bao bọc kinh thành Thăng Long. Đến đầu thế kỷ XIX, sách Bắc Thành địa dư chí cho biết Hà Nội có 21 cửa ô. Đến năm 1831, khi có bản đồ Hoài Đức phủ thì chỉ thấy còn 16 cửa ô. Đến bản đồ vẽ năm 1866 chỉ còn 15 cửa ô. Như vậy cho đến năm 1866 và cho đến tận đầu thời Pháp thuộc - trước khi thực dân cho phá toà thành này (cũng như phá toà thành gạch) để mở đường phố mới và lấy đất lấp các ao hồ - thì Hà Nội có 15 ô cửa, mỗi cửa ô có hình dáng như cửa ô Quan Chưởng còn sót lại tới ngày nay. Thuở xưa ở mỗi cửa ô thường xuyên có lính gác. Năm 1782 Lê Hữu Trác từ Hà Tĩnh ra Hà Nội, đi qua cửa ô Cầu Dền có tả như sau: “Thấy một toà thành đất, không cao lắm. Trên thành là đường xe ngựa đo. Ngoài là hàng rào tre. Dưới chân là hào sâu, có thả đầy chông. Thành có 3 vọng canh, nơi nào cũng có lính sắp hàng gươm dáo sáng quắc” (Thượng kinh ký sự)

http://farm4.static.flickr.com/3093/3218603323_03629f6e51.jpg?v=0

 

Thành Hà Nội thời Nguyễn với 16 cửa ô của thành ngoài vẽ năm 1831

Tóm lại Hà Nội có nhiều cửa ô, tuỳ từng thời, lúc mở thêm, lúc lấp lại và nay tên gọi để lại còn nhiều nhưng di tích một cửa ô thực sự thì chỉ có cửa ô Quan Chưởng là còn phần nào bóng dáng xưa mà thôi.

Kiểm tra

Menu Góc Hà Nội tháng 11 năm 2022

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *