Tết xưa và nay trong ký ức người Hà Nội

Năm nay, ông Thái An đã bước sang tuổi ngoài 60. Ngôi nhà 72 Hàng Đào của ông vẫn nguyên vẹn như ban đầu, từ thời ông nội ông, rồi đến bố mẹ ông…,

Cho đến bây giờ, ông cũng đã có mấy đứa cháu nội ngoại đề huề xung quanh… Giữa lúc Hà thành rộn ràng vào Tết, ký ức của ông về những ngày tết thuở xa xưa, dường như vẫn còn nguyên vẹn…

Tết xưa, “chơi tết”

Không khí mùa xuân bắt đầu tràn vào Hà Nội, tràn vào 36 phố phường cổ kính… bắt đầu bằng sự xuất hiện của những quầy bán tranh tết rạo rực trên phố Hàng Bồ từ trước đó vài ba tháng, chứ không phải cho đến tận áp tết, khi đào Nhật Tân bắt đầu nở rộ dưới nắng xuân ấm áp, hay có sự xuất hiện của mai vàng Sài Gòn vượt qua chặng đường vài ngàn cây số ra đất Bắc như bây giờ… Khi ấy, ông Thái An vẫn còn là một cậu bé học trường ấu đồng, tiền ăn quà sáng cậu mợ cho, cậu bé để dành cũng đủ mua một bức tranh gà, tranh lợn của làng tranh Đông Hồ từ Thuận Thành mang sang, hay một bức tranh Tàu bốn mùa vẽ theo lối sơn thuỷ.

Trong trí nhớ của ông Thái An, cả phố Hàng Bồ tràn ngập những ông đồ áo the khăn xếp, râu dài… ngồi nghiêm trang trên chiếc chiếu hoa trải trên vỉa hè. Những bức tranh giấy dó được treo trên những sợi dây chăng sát mép tường, được kẹp bằng những kẹp sắt. Những bức tranh màu tươi, sặc sỡ có sức hấp dẫn rất lớn đối với những đứa trẻ như ông, và hầu hết, tụi trẻ con cùng lứa tuổi ông thời đó, đều có thể ngồi chầu cả ngày để xem ông đồ thảo chữ, viết câu đối, hay ngắm những bức tranh sáng bừng dưới nắng.

Tết nguyên đán được cậu mợ (bố mẹ) ông Thái An chuẩn bị rất chu đáo. Gia đình ông Thái An có hiệu Thái An chuyên hàng tơ lụa, vải sợi may mặc. Phố Hàng Đào khi đó là khu phố chuyên về hàng tơ lụa, gồm khoảng gần 100 cửa hiệu chạy dọc con phố. Tất cả các cửa hiệu, như đã được quy ước sẵn, đều đóng cửa vào đúng ngày 23 tháng Chạp, ngày ông Táo lên trời. Công việc mua sắm, chuẩn bị cho Tết cổ truyền được bắt đầu từ ngày đó.

(Trong trí nhớ của ông Thái An, cả phố Hàng Bồ tràn ngập những ông đồ áo the khăn xếp, râu dài…)

Mợ ông là một người phụ nữ tháo vát, đảm đang. Bà tự tay mua sắm chuẩn bị tết chứ không mượn đến vú già, con sen người ở trong nhà. Thực phẩm cho tết chủ yếu là các thức hàng khô, như miến dong, mộc nhĩ… được mua với số lượng đủ cho mười ngày tết. Vài đôi gà mua thả nhốt trong chuồng, ăn đến đâu mới làm thịt đến đó. Chừng 27 – 28 tết, khi ấy, dù đã bắt đầu có những nhà luộc bánh chưng đem bán, thế nhưng, bà chủ tiệm vải lụa Thái An vẫn mua gạo nếp, lá dong… về gói bánh chưng. Và, theo thông lệ, bao giờ trẻ con trong nhà cũng được “ưu tiên” một chiếc bánh mụ - chiếc bánh chưng nhỏ xíu, có dây buộc làm tay cầm. Đấy là phần thưởng để dành cho sự háo hức của lũ trẻ, sau cả một đêm thức cùng cậu mợ canh nồi bánh chưng nghi ngút khói.

http://nss.vn/Portals/0/Images/PhongSu/BanhChung.jpg

(27 – 28 tết đã bắt đầu có những nhà luộc bánh chưng đem bán)

Ngày mồng Một tết, trong lúc tụi trẻ con xúng xính quần áo mới, cậu mợ ông Thái An tất bật chuẩn bị cho mâm cúng đầu năm. Nhà ông có bảy người làm, mỗi người một việc. U già đồ xôi, con sen dọn dẹp, quét dọn ban thờ từ hôm trong năm. Việc bày lễ lên bàn thờ, trực tiếp cậu mợ ông Thái An làm chứ tịnh không cho con sen, người ở được nhúng tay vào. Khi ấy, ông Thái An còn là cậu bé chưa đầy 10 tuổi, nhưng ông đã cảm nhận được sự thiêng liêng trong sự tất bật của cậu mợ mình. Cậu mợ dặn mấy anh chị Thái An, trong ba ngày tết, không được nói tục, không được to tiếng, cãi vã hay chảnh choẹ nhau, không được làm đổ vỡ các đồ đạc trong nhà, vì nếu làm những điều ấy, cả năm mới sẽ bị “dông”, và sẽ không học hành giỏi giang được…

“Tôi nhớ, trong ba ngày tết, cậu mợ tôi làm sẵn rất nhiều mâm cỗ, được đậy kín bằng lồng bàn tre… Mỗi khi có khách đến, một mâm cỗ sẽ được hạ xuống để mời khách ăn lấy khước. Khoảng gần 10h trưa, một người đến xông đất cho gia đình (người này thường đã được hẹn trước từ hôm trong năm). Mợ tôi là người kỹ tính, nên lựa người xông đất rất cẩn thận. Người được chọn thường là những người có đạo đức, có uy tín trong dòng họ. Sáng mồng một, khi người xông đất chưa đến, tụi trẻ con không được phép đi ra khỏi cửa. Đương phố khi ấy vắng lặng, không một bóng người. Cho nên, thời gian chờ đợi lúc ấy thật dài. Mấy chị em chúng tôi háo hức và bồn chồn nhìn qua khe cửa gỗ có tay nắm, đợi người xông đất đến…”.

Người xông đất cho gia đình ông Thái An những ngày tết xa xưa là cụ trưởng Xi - trưởng tộc của dòng họ Nguyễn Thái, Hàng Đào. Cụ trưởng Xi là người cao đạo, am hiểu nhiều lĩnh vực, và có uy tín nhất trong dòng họ. Khi tiếng cụ trưởng Xi bắt đầu sang sảng ngoài cổng: “Năm mới chúc ông bà làm ăn bằng năm bằng mười, chúc các cháu học hành tiến bộ…”, cậu tôi đã chuẩn bị sẵn một bánh pháo dài châm lửa khai cuộc. Mâm cỗ trên bàn thờ được hạ xuống, cả gia đình cùng người xông đất ăn lấy khước. Ăn xong, tụi trẻ đứng xếp hàng chờ cụ trưởng Xi mừng tuổi…”.

Khi những thủ tục của ngày mồng Một đã xong, qua trưa, cả gia đình ông Thái An gọi năm chiếc xe xích lô kéo tay để đi chúc tết ông bà nội, ngoại. “Cậu tôi ngồi một xe, mợ ngồi một xe, kèm theo một đứa trẻ. Tôi nhớ khi ấy, nhà ông Cai Mơ ở 58 Hàng Đào mở dịch vụ kinh doanh xe kéo phục vụ nhu cầu đi lại ngày tết. Ông Cai Mơ có gần 100 chiếc xe kéo. Mỗi lần đi, một xe mợ tôi trả 5-10 đồng bạc Đông Dương!”.

Nhà ông bà ngoại ông Thái An ở làng Quỳnh Lôi. Hà Nội xưa chỉ bó hẹp trong 36 phố phường, ra đến mạn Bạch Mai, Quỳnh Lôi, Khâm Thiên… đã là ngoại thành. Cho nên, một cuốc xe kéo đi vòng hết 36 phố, cũng chỉ là một quãng đường rất ngắn.

Tết nay, trẻ con thiệt thòi nhiều!

Ông Thái An năm nay đã bước sang tuổi ngoài 60. Cửa hiệu Thái An chuyên đồ tơ tằm, đồ lụa, vài may mặc ngày xưa của gia đình ông gia truyền tư nhiều đời. Trước, thời gian thịnh vượng nhất, cả làng Cổ Nhuế trở thành nơi cung cấp hàng cho cửa hiệu nhà ông. Có cả khách Lào, khách Thái Lan sang đặt mối. Dọc phố Hàng Đào khi ấy, theo trí nhớ của ông, có cả những người buôn vải voc, tơ lụa Ấn Độ. Ngày Tết cổ truyền của Việt Nam, những người ngoại quốc này cũng đóng cửa hàng, khép kín cửa và hoà nhập với tết cổ truyền của người bản địa. Họ cũng sang các nhà bạn hàng chúc mừng năm mới, và cầu chúc những điều tốt lành…

“Ngày xưa, tôi nhớ các anh chị nam thanh, nữ tú chơi tết khác với bây giờ. Con gái mặc áo tân thời, áo dài, bên ngoài là một chiếc áo véc nhung để tránh lạnh. Các anh thanh niên mặc đồ Tây, quần áo vét, đi giày đơculơ (giày 2 màu, mõm giày có một miếng da màu vàng), đó là mốt thịnh hành ngày ấy.

http://nss.vn/Portals/0/Images/PhongSu/ThieuNu.jpg (Thiếu nữ thời đó mặc áo tân thời, áo dài đi chơi tết)

Chợ hoa xuân được mở ở phố hàng Lược. Đào Nhật Tân, quất Quảng Bá mang xuống nở rực rỡ. Dạo ấy, các cụ vẫn chơi đào cành chứ không chơi cả cây đào như bây giờ. Mợ tôi mua một cây quất lớn, đẹp, nhiều lộc bày ở gian hàng chính. Nhà trên là có các lọ lộc bình cắm đào Nhật Tân chúm chím nở. Ngoài sân, giữa khoảng giếng trời, cậu mợ tôi cắm một cành đào lớn, và để đết tận rằm tháng giêng.

Trước tết một tháng, có hội chợ Mắc-két mở từ nhà hàng Thuỷ Tạ kéo dài đến tận đầu phố Bà Triệu, và dàn cả xuống lòng đường, các gian hàng tết mứt, đường, bánh kẹo bày xen giữa những trò chơi rất sinh động: thả vòng vào cổ ngỗng, ném bóng bàn, trò chơi tìm mê cung… Mọi người chơi tết nhiều hơn là ăn tết.

Những ngày đầu năm, người dân Hà Nội đi lễ chùa, trước khi đến chúc tết họ hàng. Đấy là một nét riêng của Hà Nội. Đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ chật cứng người, chủ yếu là người đi bộ. Các bà, các chị ở xa thì đi xe kéo. Các hàng quán đều đóng cửa trong ba ngày tết. Không ai bán hàng thời điểm này, vì nhà nào mở cửa, không có khách mau lại bị người ta khinh khi là kẻ tham công tiếc việc. Chơi Tết kéo dài đến tận Rằm tháng giêng, các bà, các chị hành hương đi lễ chùa. Cậu tôi cùng bạn bè của ông thì chơi tổ tôm, hay đi hát ả đào ở Khâm Thiên, Cự Đà bên dòng sông Nhuệ. Tôi nhớ ngày ấy, các anh chị thanh niên hẹn hò, thường rủ nhau vào các quán cà phê ven hồ Gươm: café Giảng (Cầu Gỗ), café Lâm treo rất nhiều tranh Bùi Xuân Phái… Trẻ con đi qua đó, không được phép vào. Tôi hay nhìn thấy các cụ Đoàn Chuẩn, Đỗ Liên, cụ Phái ngồi đó thư thả uống cà phê và nói chuyện.

Đầu năm, có một bà cụ gánh nước đến, tự động đổ đầy các khạp nước của các gia đình. Bà cụ không đòi giá, chủ nhà muốn đưa bao nhiêu cũng được. Không ai kỳ kèo mặc cả, mà đều vui vẻ tiếp nhận, như một thông điệp cho một năm tốt lành, tài lộc vào nhà nhiều như nước. Bà cụ ấy, tôi nhớ mợ tôi gọi là bà cụ Thân, nhà ở ngoại thành vào trong phố gánh nước bán lấy khước đầu năm. Khi ba ngày Tết đã hết, những hàng quán đã bắt đầu lác đác trở lại. Sáng mồng Bốn tết, tôi thường bị tiếng rao “Lồ mế phàn” của ông già người Tàu đánh thức. Không cần chạy ra nhìn, tôi cũng biết, đấy là ông lão bán xôi lạp xườn rất thơm ngon trên chiếc xe gỗ đẩy có ba bánh. Trong tủ kính nghi ngút khói của ông già người Tàu, lạp xườn để một bên, một bên là chõ xôi nóng hổi vì bên dưới là một chiếc bếp than lúc nào cũng đỏ lửa… Mợ tôi từ nhà dưới gọi vọng lên, đánh thức mấy chị em dậy để ăn quà sáng…

Ông Thái An rủ rỉ như người đang bước ra tư cõi mộng. Những ký ức miên man của ông dường như bị ngắt quãng, khi đưa cháu nội của ông từ nhà trong chạy ra vòi ông nội. “Đấy, khi ấy tôi cũng chỉ nhấp nhỉnh bằng tuổi thằng cháu 5 tuổi của tôi. Ngẫm ra, lũ trẻ ngày nay, thiệt thòi hơn chúng tôi ngày xưa nhiều lắm. Ngày xưa, tụi trẻ con chúng tôi được chơi tết, chứ không phải ăn tết. Mà thấm thoắt, cũng 5-6 chục năm rồi chứ ít ỏi gì…”.

Di Linh

Phục hiện Tết xưa Hà Nội...

Không gian sống của người Hà Nội xưa với những đồ gia dụng cũng như cách bài trí gian thờ tự ngày tết đã lôi cuốn được rất nhiều người. Lư trầm, hạc thờ, giá nến, bài vị, mâm ngũ quả, bức đại tự cùng những cặp liễn, sập gụ, bàn ghế tre mộc mạc như gợi nhớ đạo lý thờ cúng tổ tiên, uống nước nhớ nguồn của đất ngàn năm văn vật.

Mô tả ảnh. Nguồn: www.vsolutions.vn

Không gian thờ tự của người Hà Nội xưa.

 

Phục dựng nhà cổ xưa

Hà Nội đêm giao thừa năm 2009-2010

Trời Hà Nội đổ mưa xuân và trở lạnh vẫn không thể ngăn nổi người dân đổ ra đường và háo hức đón chào năm mới bằng màn bắn pháo hoa ở bên bờ Hồ Gươm.

 http://nld.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/02/14/hn%20%289%29.jpg Người dân phố cổ đội mưa đi chơi phố

Từ chập tối, đường phố Hà thành đã chật cứng người và xe trên khắp các ngả đường dẫn đến trung tâm thành phố và Hồ Hoàn Kiếm. Các con phố trung tâm ngày thường đông đúc thì đến tối giao thừa vẫn cơ man là người như phố Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Trống, Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Lương Văn Can, Hàng Ngang, Hàng Đào… Thời tiết trở lạnh cộng thêm mưa phùn càng làm tăng thêm giá buốt nhưng không vì thế mà người dân thành phố ngàn năm tuổi bỏ thói quen đón Tết ở Hồ Gươm để tận hưởng thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới và ngắm nhìn sắc màu lung linh trên bầu trời. Các con phố xung quanh Hồ Gươm, cả vạn người đứng chen chân, gần như không còn chỗ trống. Trời đổ mưa làm cho màn pháo bớt rực rỡ nhưng đám trẻ, có cháu vài ba tuổi vẫn không kể rét mướt vẫn ngồi trên lưng, trên cổ cha mẹ nhìn lên trời ngắm pháo hoa với ánh mắt rạng rỡ, hân hoan. Người già dẫn theo con cháu đến đền Quán Thánh, Bạch Mã, chùa Trấn Quốc, Quán Sứ, Bà Đá… cầu năm mới gia đình mạnh khỏe, tốt lành, an khang, thịnh vượng. Đám thanh niên, người già tìn đến Văn Miếu Quốc Tử Giám xin chữ lấy may đầu năm hay tìm mua một cành lộc, gói muối, bao diêm. Năm cũ đã qua, với nhiều bộn bề khó khăn được khép lại. Trên ánh mắt của nhiều người dân Hà Nội trong đêm giao thừa ánh lên niềm tin vào năm mới - Canh Dần với nhiều vận hội và thách thức mới.

http://nld.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/02/14/hn%20%283%29.jpg Người dân Hà Nội vẫn giữ nếp, ngay sau giao thừa, cả gia đình đến đền chùa thắp nén hương http://nld.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/02/14/hn%20%286%29.jpg Làm lễ ngoài trời cúng giao thừa cầu mong một năm tốt tươi cho cả nhà Hà Nội đổ mưa từ chập tối vẫn không ngăn dòng người đổ ra đường đón chào năm mới và tận hưởng màn bắn pháo hoa http://nld.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/02/14/hn%20%287%29.jpg Sinh viên tranh thủ đi bán muối, diêm vào đêm giao thừa cho người dân lấy may http://nld.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/02/14/hn%20%281%29.jpg Xin chữ đầu năm http://nld.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/02/14/321869947hn.jpg Mua một cành lộc lấy hên cho cả gia đình

Kiểm tra

Menu Góc Hà Nội tháng 11 năm 2022

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *